Một số dấu hiệu của dự án tiền kỹ thuật số lừa đảo – Cryptocurrency scam

Một số dấu hiệu của dự án Cryptocurrency lừa đảo – Dự án ma – Scam nhà đầu tư

Từ khi Bitcoin ra đời vào 2009 và không ngừng được sử dụng rộng rãi, giá cả tăng vọt theo thời gian, người ta có thể sử dụng Bitcoin để đầu tư kinh doanh nhiều dự án tài chính khác. Thị trường tiền tệ điện tử ngày nay phát triển lên đến hàng ngàn đồng coin khác nhau trong đó có giá trị cũng có mà coin rác không có giá trị cũng có. Điều đặc biệt hơn nữa  là lợi dụng tiếng tăm của thị trường ngàn tỉ này, rất nhiều tay lừa đảo công nghệ đã vào cuộc dưới nhiều hình thái khác nhau để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư. Blog seocoin xin đưa ra một vài dấu hiệu đánh giá những dự án tiền điện tử ma, dự án tiền kỹ thuật số lừa đảo nhà đầu tư( Cryptocurrency is scam). Đặc biệt các dự án phát triển theo kiểu tiếp thị đa cấp chứa nguy cơ lừa đảo lên đến 90% gọi là Cryptocurrency lừa đảo theo hình thức Ponzi. Hình thức Ponzi là hình thức lừa đảo, nó bị pháp luật đa số quốc gia trên thế giới cấm đoán.

10 tiêu chí đánh giá dự án tiền điện tử lừa đảo:

1. Dự án ma  thường phát triển theo hình tiếp thị đa cấp:

Dự án huy động vốn thường nấp bóng thức đa cấp, thường ở đây là hình thức nhị phân, hưởng hoa hồng tăng dần theo số tiền đầu tư. Vốn huy động có thể bằng USD, BTC, ETH,…

2. Dự án ma thường không có tính cộng đồng:

Các trang chủ của dự án thường không có liên kết với mạng xã hội như Facebook, Youtube, Twitter, GitHub,…Lý do mà họ không kết nối với mạng xã hội phổ biến là vì họ không công khai danh tính, sau này dự án huy động được vốn hóa lớn có thể bùng mà không ai điều tra ra được dấu vết, tung tích của ban điều hành hệ thống.

cong-dong-eth
Ảnh: Một số liên kết mạng xã hội của Ethereum – Một dự án uy tín

Lấy ví dụ như dự án Swisscoin trên trang chủ của họ là Swisscoin.eu sẽ không có liên kết với mạng xã hội như Facebook, Youtube, Twitter, GitHub. Đây cũng xem như ví dụ về một dự án scam.

swisscoin-scam
Ảnh: Trang chủ swisscoin.eu không có liên kết với cộng đồng mạng xã hội – Scam

3. Trang chủ không có thông tin người lãnh đạo hoặc đội nhóm sáng lập dự án:

Không có thông tin về trụ sở giao dịch, công ty phát triển thì cũng có thể chấp nhận nhưng thường trang chủ họ chỉ nói chung chung về ngành công nghiệp Cryptocurrency, về Bitcoin, rất ít có thông tin chi tiết về đồng coin mà họ sáng tạo ra như tác dụng của đồng coin, ứng dụng của nó, ví trữ coin, điểm khác biệt của nó với các đồng coin khác mà không hề đề cập tới tác giả hay đội ngũ sáng lập ra đồng coin. Nói chung không có thông tin đội ngũ sáng lập thể hiện dự án không có tính quy mô cộng tác mang tính tập thể nên có thể sản phẩm sẽ kém chất lượng, điều đó cũng đồng nghĩa với việc không công khai danh tính của tác giả đồng coin được sáng lập nó tiềm ẩn nguy cơ rủi ro scam ở trong đó vì bản thân người sáng lập muốn ẩn danh với mục đích đen tối nào đó. Có thể lấy ví dụ rằng một bài báo nho nhỏ, một bài hát, một bản vẽ kiến trúc,…tất cả đều phải có thông tin tác giả chứ huống gì một đồng coin là đại diện cho một hệ thống tiền tệ thì lại càng phải có tác giả hay đội ngũ sáng lập một cách rõ ràng, minh bạch.

Đội ngũ sáng lập dự án Presearch
Ảnh: Đội ngũ sáng lập dự án Presearch – Một dự án uy tín đang ICO trong tháng 8/2017

4. Đồng tiền kỹ thuật số thuộc dự án ma, dự án scam thường không có ví trữ tiền riêng của nó:

Dự án tiền điện tử ma thường không có ví trữ tiền riêng biệt mà họ chỉ lập trình trang dạng câu lạc bộ hay đội nhóm gì đó cho nạp tiền Bitcoin, ETH, USD vào để trade coin trong sàn giao dịch nội bộ của họ. Các dự án nghiêm túc thường có ví trữ tiền riêng hoặc chứa chung với các loại tiền khác trong các loại ví của các công ty hay tổ chức uy tín khác.

5. Hệ thống thuộc dự án Cryptocurrency lừa đảo thường bảo mật thấp, qua loa đại khái:

Thường các dự án này tập trung phát triển theo kiểu tiếp thị đa cấp và tập trung vào khâu làm thị trường lừa lấy tiền là chính nên họ rất sơ sài, qua loa đại khái về mặt kỹ. Điều này thể hiện qua các khâu bảo mật hệ thống rất kém ví dụ như không bảo mật 2 lớp qua SMS hoặc 2FA. Công nghệ bảo mật cao trong ngành này thường khi bảo mật 2 lớp mỗi lần có thay đổi Ip máy tính hệ thống thường yêu cầu mã bí mật từ email, sms và mã Google Authenticator(2FA). Mặc dù hơi phiền phức nhưng sẽ giúp bảo vệ tiền của bạn trước hacker đang thèm muốn và rình rập.

6. Dự án thường không công có thông tin thông cáo báo chí về dự án hoặc không công khai thông tin dự án trên các diễn đàn Cryptocurrency lớn trên thế giới như BitcoinTalk.org chẳng hạn:

Nếu dự án có tính đầu tư, nghiêm túc thông thường nó được đăng tin thông cáo báo chí lên một số trang mạng lớn cùng ngành.

du-an-wicoin-tren-dien-dan
Ảnh: Thông tin ICO cho dự án Wicoin trên BitcoinTalk.org

Lý do rất đơn giản vì khi đưa lên các trang báo chí thì khó mà che dấu được con mắt của các nhà chuyên môn và giới đầu tư chuyên nghiệp, đưa lên diễn đàn lớn, có cộng đồng người đông đảo rất có thể có người nào đó biết được bí mật lừa đảo của họ sẽ có những lời bình luận về bộ mặt thật của dự án làm ảnh hưởng tới công việc kinh doanh lừa đảo của dự án đó. Thông thường dự án nghiêm túc, tiềm năng thường có giai đoạn ICO cho dự án, thông tin ICO dự án này thường được đưa lên diễn đàn BitcoinTalk.org trước nhiều ngày chạy chương trình ICO cho dự án nhưng các dự án ma, dự án lừa đảo thì không như vậy.

7. Dự án ma thường không có thông tin mã nguồn mở của coin trên Github.com:

Mỗi một đồng coin khác nhau đều được phát triển từ một mã nguồn mở nào đó, thông tin này cần được công khai minh bạch và cũng là bảo vệ bản quyền cho nhà sáng chế. Lấy ví dụ về đồng Dash, muốn xem thông tin mã nguồn của đồng tiền này bạn có thể xem tử liên kết từ trang chủ của Dash là dash.org(Mục Social ở chân trang, link xem tại đây https://github.com/dashpay/dash). Những dự án ma thường không có mục này.

du-an-dash-tren-github
Ảnh: Thông tin mã nguồn của đồng Dash trên Github

Thường thì dự án coin lừa đảo không có mã nguồn để đưa lên Github mà cho dù có nó cũng thiếu chuyên nghiệp, không tiềm năng hoặc có sai sót gì đó đưa lên sợ giới chuyên môn chỉ chích có thể làm lộ hành vi lừa đảo ngay từ giai đoạn sơ khai.

8. Dự án coin lừa đảo thường bó hẹp cộng đồng sử dụng ở một hoặc một vài quốc gia nhất định:

Bạn dễ dàng tìm được cộng đồng truy cập và sử dụng hệ thống của dự án ma thông qua một số công cụ phân tích thông tin của website, ví dụ như thông tin lượng truy cập từ alexa. Các dự án này thường nhắm vào một hoặc một vài nước mà họ có thể qua mặt được. Khi kiểm tra lượng truy cập từ alexa có thể bạn sẽ thấy các dự án ma được hoạt động lâu có thể nó có lượng truy cập giảm rõ rệt, đó cũng là một trong các dấu hiệu thể hiện người dùng khước từ và rời bỏ hệ thống, gặp những website coin như vậy bạn không nên tham gia để phòng hậu họa. Còn những dự án mà lượng truy cập chỉ đến từ  một hoặc 2 quốc gia nào đó trong khi đó nó mang tầm cỡ quốc tế thì hẳn đó cũng có nguy cơ rất cao là dự án ma. Tôi gặp một vài dự án kiểu như đồng coin phát triển từ Mỹ mà lượng truy cập gần như 100% là từ Việt nam, vậy có dự án quốc tế nào mà chỉ dân Việt nam biết và chơi hay không?

du-an-asean-coin-scam
Ảnh: Thông tin lượng truy cập vào hệ thống Aseancoin từ alexa – Thông số thể hiện nguy cơ Scam

Ví dự án đồng Aseancoin trang chủ là aseanmaster.com nếu kiểm tra nguồn truy cập theo link http://www.alexa.com/siteinfo/aseanmaster.com bạn sẽ thấy 100% nguồn truy cập đến từ Việt nam trong khi dự án đồng này phát triển tại Mỹ và Singapore. Tại thời điểm viết bài này chưa ai kết luận Aseancoin là scam nhưng ở đây tôi lấy ví dụ để bạn đọc tự kiểm nghiệm và suy đoán nhé.

9. Dự án tiền điện tử scam thường không được niêm yết lên các chợ tiền kỹ thuật số ví dụ như coinmarketcap.com:

Các đồng tiền uy tín và có tiềm năng thường được niêm yết các thông tin chuyên ngành trên coinmarketcap.com như vốn hóa thị trường, số lượng coin phát hành, giá cả, website trang chủ, liên kết mạng xã hội, khối lượng giao dịch,…Vì các thông tin này là khá rõ ràng nên các coin lừa đảo thường né tránh, người đứng đầu thường thêu dệt lên những câu truyện rằng tỉ phú này, tỉ phú nọ tham gia ban lãnh đạo dự án, rằng rất uy tín, họ nêu ra khá nhiều lý do biện bạch rằng tại sao họ không cho coin lên sàn hay thông tin lên các mạng xã hội, họ đưa ra đủ điều hứa hẹn tốt đẹp trong tương lai trong buổi hội thảo nhằm để che dấu hành vi scam của mình.

10. Dự án coin scam thường không đưa coin của họ lên các sàn giao dịch lớn mang tầm quốc tế:

Thường họ không đưa lên sàn giao dịch trade coin như Poloniex, bittrex, Bitfinex,…mặc dù chưa đưa lên sàn nhưng coin scam thường hứa hẹn là một lúc nào đó trong tương lai rất gần họ sẽ lên sàn và luôn hối thúc nhà đầu tư vào tiền kẻo khi lên sàn coin sẽ lên giá bỏ lỡ mất cơ hội làm giàu.

Trên đây là 10 dấu hiêu của một dự án xây dựng tiền điện tử mang tính chất lừa đảo. Có thể dự án scam đi theo mô hình đa cấp, cũng có thể không theo mô hình đa cấp nhưng họ đưa ra nhiều hứa hẹn tốt đẹp trong tương lai nhằm đánh lừa nhà đầu tư vào tiền và làm hệ thống gom tiền vào cho họ. Ban đầu thường các dự án này chi hoa hồng, tiền thưởng, lãi rất rõ ràng, minh bạch nhưng một thời gian nào đó họ đột ngột biến mất mà không ai hay biết. Trước khi đầu tư trade coin một dự án nào đó bạn nên tìm hiểu 10 điều nói trên do Seocoin rút tỉa kiến thức và kinh nghiệm qua hàng trăm dự án scam. Chúc các nhà đầu tư lựa chọn được những dự án tiềm năng thực sự sinh lời và hiệu quả cao trong đầu tư.

Xem thêm một số dự án khác>> Kênh đầu tư scam